Ủ phân cá để bón cho cây, vườn tiêu hết bệnh, sai trĩu trái
Tự ủ phân cá để bón cho cây, vườn tiêu của ông Nguyễn Tấn Lực, ấp 3, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành (Bình Phước) đã trở thành vườn kiểu mẫu, mô hình tham quan, học hỏi, chia sẻ cho nhiều bà con nông dân. Mặc dù nhiều nhà vườn ở tỉnh Bình Phước bị ảnh hưởng thời tiết dẫn đến cây tiêu mắc bệnh chết nhanh, chết chậm, nhưng vườn tiêu của ông Nguyễn Tấn Lực vẫn xanh tốt. Từng chùm tiêu nhỏ trải đều trên khắp các đọt nọc, báo hiệu một vụ thu thắng lợi sắp về. Ông Lực quê gốc ở Bến Tre, sinh ra ở Vĩnh Phúc và lập nghiệp ở Bình Phước. Ông kể mình theo ba mẹ về lại miền Nam lập nghiệp vào thập niên 90 tại ấp 3, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành. Mấy chục năm gắn bó với vùng đất đỏ này, ông cũng như nhiều nông dân khác chịu cảnh chặt trồng, trồng chặt vì thời tiết và giá cả. Năm 2014, ông Lực quyết định gắn bó với cây tiêu. Mới đầu do giá tiêu giống rất cao nên ông chỉ đủ tiền đầu tư vào 1.000 nọc. Song chưa có kinh nghiệm trồng nên 1/3 vườn tiêu của ông bị mắc bệnh chết nhanh, chết chậm. Song hiện tại vườn tiêu của ông Lực có 2.850 nọc đang ở năm thứ 3, giống tiêu Ấn Độ. Theo ông Lực, tiêu Ấn Độ sinh trưởng nhanh, cho trái sớm, năng suất cao. Đưa chúng tôi ra thăm vườn tiêu đang ra đầy những trái bao tử, dự kiến một mùa bội thu cho người nông dân cần cù, chăm chỉ. “Năm trước tiêu bói, mình thu được gần 3 tấn. Năm nay tiêu ra nhiều hơn, dự kiến sẽ thu được khoảng 7 – 8 tấn. Nếu được giá là mình sẽ ấm thôi”, ông Lực khấp khởi hy vọng. Để chăm sóc cho vườn tiêu, ông Lực đã tự ủ phân hữu cơ bón cho cây. Nhìn những hàng tiêu vươn mình xanh tốt, trên thân sai trĩu trái, ông Lực khoe: “Nhiều nông dân đã về đây thăm và chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu với gia đình chúng tôi. Tôi cũng chia sẻ hết lòng với bà con”. Chia sẻ về kinh nghiệm có vườn tiêu đẹp, ông Lực bảo “nhờ phân cá đó”. Trước đây ông dùng phân hóa học để bón vườn, nhưng đất dễ bị chai cằn, ảnh hưởng ngược lại sự phát triển của cây tiêu. Sau đó ông Lực chuyển sang phân hữu cơ, rồi mua cá về “chế” phân bón. Ông đăng ký với chủ ghe ở Bà Rịa – Vũng Tàu mua mỗi lần cả nửa tấn cá nục về ủ làm phân bón. Dùng xác cá với một vài chế phẩm hữu cơ, ngâm ủ trong những thùng nhựa lớn. Sau khi xác cá tan rã, ông hòa với nước bón đều cho cây. Nhờ vậy tiêu xanh tốt, phát triển mạnh. Trung bình mỗi tháng, ông Lực tưới phân cá một lần cho tiêu, khoảng 100kg cá/lần. Ban đầu ngâm ủ thủ công nên việc ta rã xác cá tốn khá nhiều thời gian. Sau này nhờ học hỏi thêm các bạn nhà nông nên ông Lực mua thêm vài chế phẩm sinh học về ngâm ủ trong tét nhựa lớn. Nhờ vậy xác cá nhanh rữa, bón cây cũng rất dễ hấp thu. Khi ngâm ủ trong tét cũng đảm bảo vệ sinh, không bốc mùi hôi thối. Quy trình ủ phân từ xác cá, ông Lực chia sẻ: Dùng 100kg cá cho vô bình ủ khối lượng 200 lít. Dùng chế phẩm sinh học trộn đều lên xác cá, khuấy đều rồi đậy nắp lại cho thật kín. Một tuần đầu, mỗi ngày đều mở nắp bồn đảo đều lên một lần cho cá ngấm. Sau đó để ủ thêm 3 tuần nữa là dùng được. Trung bình nên ủ xác cá một tháng là dùng tốt. Mỗi lít dung dịch phân cá sẽ được hòa tan vào 100 lít nước để tưới cho cây. “Sử dụng phân cá cho tiêu sẽ giúp vườn cây phát triển bền vững hơn vì trong cá chứa nhiều protein, kết hợp với men vi sinh sẽ giúp cây trồng hấp thu tốt hơn. Mặc khác việc dùng xác cá tự ủ phân tính ra lợi hơn nhiều vì tiết kiệm chi phí so với phân vô cơ. Trước đây tôi bón phân vô cơ tốn chừng 3 triệu đồng/ha. Giờ này tốn chừng 1 triệu thôi. Tính ra lợi nhiều đó”, ông Lực vui vẻ.